Nhổ răng thường là chỉ định điều trị cuối cùng đối với Nha sĩ. Khi mà các phương pháp điều trị khác không còn hữu hiệu hoặc đối với một số trường hợp như:
- Sâu răng trầm trọng: răng sâu đã bị ăn mòn đến sát chân răng.
- Tuỷ bị tổn thương: một số trường hợp không thể thực hiện điều trị nội nha (lấy tuỷ). Bắt buộc phải thực hiện nhổ răng.
- Răng bị vỡ, mẻ quá lớn do tai nạn, chấn thương.
- Bệnh nha chu trầm trọng: trường hợp này răng đã bị lung lay đáng kể do xương bao bọc xung quanh răng đã bị tiêu huỷ không thể phục hồi.
- Chỉ định phục hình: đôi khi cần nhổ răng để dành khoảng trống hàm răng cần thiết cho điều trị chỉnh hình răng.
- Răng có bệnh lý như khối u mà cần phải nhổ răng để điều trị khối u.
Ngoài ra, Nha sĩ thường chỉ định nhổ răng – tiểu phẫu khi bệnh nhân gặp “nỗi ám ảnh”: răng khôn – răng số 8. Đây là trường hợp đặc biệt trong nha khoa mà nha sĩ thường áp dụng phương pháp tiểu phẫu nhổ răng để điều trị.
Vậy răng khôn là gì?
Răng khôn là răng hàm cuối cùng của mỗi bên hàm. Răng khôn cũng là răng được mọc cuối cùng, thường là khi người ta ở độ tuổi 16 đến 20 (độ tuổi khôn lớn, trưởng thành – do đó, người ta hay gọi là “răng khôn”). Vì răng khôn là những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên sau cùng, nên thường vòm miệng của bạn không có đủ chỗ dành cho chúng. Điều này có thể ảnh hưởng đến các răng khôn như răng có thể bị kẹt lại dưới mô nướu bởi các răng khác hoặc xương hàm. Nếu răng khôn bị tác động, có thể dẫn đến sưng và đau. Khi răng khôn nhú lên chỉ được một phần hoặc bị xoắn, nó có thể gây đau cục bộ hoặc bệnh. Vì răng được nhổ trước tuổi 20 có chân răng ít phát triển và ít gây biến chứng, nên Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ khuyên người ở độ tuổi từ 16 đến 19 nên kiểm tra răng khôn để được đánh giá xem họ có nên nhổ bỏ hay không.
- Đau nhức, viêm nhiễm quanh răng khôn lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Nhồi nhét thức ăn mà không làm sạch được.
- Sâu răng không điều trị được.
- Làm tổn thương răng cối lớn thứ hai kế cận.
- Gây viêm mô tế bào.
- Gây cản trở khớp cắn dẫn tới đau mỏi khớp TDH….
- Ảnh hưởng đến dây thần kinh
Khi những biến chứng này không tự hết được và xét thấy răng khôn không có tác dụng ăn nhai thì việc nhổ bỏ răng khôn là giải pháp tốt nhất. Việc nhổ răng khôn đã trở thành điều trị thường xuyên đối với Bác sĩ nha khoa. Nếu thực hiện đúng, quy trình nhổ răng khôn là quy trình điều trị an toàn và hiệu quả.
1. Nhổ răng khôn có khó không?
Độ khó nhổ răng khôn phụ thuộc vào:
- Hình dạng răng
- Giải phẫu răng
- Trục răng: nghiêng gần, nằm ngang, thẳng đứng, nghiêng xa
- Độ sâu của răng ngầm
- Độ cứng của xương
- Mức độ há miệng của bệnh nhân
- Khoảng cách giữa răng và cành lên xương hàm dưới
2. Chuẩn bị trước khi nhổ:
- Khám trên miệng
- Chụp phim toàn cảnh kiểm tra (chụp phim CT nếu cần thiết)
- Xét nghiệm máu (nếu cần)
- Làm sạch răng, cạo vôi răng
3. Tiến hành tiểu phẫu và nhổ răng khôn:
- Sát khuẩn tại chổ theo qui trình vô khuẩn của tiểu phẫu thuật
- Gây tê
- Rạch nướu
- Bóc tách nướu và xương
- Mài cắt xương quanh răng, bộc lộ răng ngầm
- Chia cắt răng , nhổ lấy răng ra
- Nạo mô hạt viêm và vụn xương
- Bơm rửa ổ nhổ răng
- Khâu cầm máu
* Lưu ý: Sau khi nhổ răng khôn những triệu chứng trong vài ngày như chảy máu sau nhổ răng, sưng tấy, đau, mất cảm giác môi dưới tạm thời là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn nên gọi cho nha sĩ nếu tình trạng đau nhức, sưng tấy, chảy máu hoặc sốt kéo dài.